NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG – CÁC NGUYÊN TẮC THỰC HÀNH
I. KHÁI NIỆM NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Nông nghiệp bền vững (NNBV) là một phương thức canh tác nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Điều này bao gồm việc bảo vệ môi trường, duy trì tài nguyên thiên nhiên, và đảm bảo thu nhập công bằng cho nông dân.
II. GIÁ TRỊ CỦA THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
- Lợi ích Kinh tế: thông qua việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, thu nhập của nông dân được tăng lên, chi phí sản xuất giảm. Việc giảm chi phí sản xuất này lại đem lại lợi ích kinh tế cho cả xã hội, bao gồm các doanh nghiệp thương mại, xuất khẩu và tất nhiên, người tiêu dùng trong nước.
Ví dụ, biến rác thải thành phân bón hữu cơ để nông dân bớt chi phí mua PB, thậm chí có thêm thu nhập từ bán PBHC.
- Lợi ích cho Xã hội, thường là các lợi ích lâu dài được phát sinh ra sau khi có lợi ích kinh tế.
Cải thiện chất lượng cuộc sống cho nông dân và cộng đồng, giảm khoảng cách giàu nghèo.
Nông nghiệp là ngành sản xuất nhiều rủi ro. Nông dân ta thường làm nông theo thói quen, hoặc theo xu hướng của thị trường, nên thu nhập bấp bênh và không kiểm soát được. Những chương trình đào tạo về nông nghiệp bền vững là bước đầu tiên để nông dân biết họ cần làm gì để có thu nhập ổn định và bảo vệ sức khỏe bản thân.
- Lợi ích cho Môi trường: Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.Đây chính là lí do lớn nhất thúc đẩy chúng ta làm nông nghiệp bền vững.
Sẽ không có ý nghĩa gì, nếu người nông dân kiếm được nhiều tiền, nhưng sống trong 1 môi trường ô nhiễm và gây nhiều bệnh tật.
Sẽ không có ý nghĩa gì, nếu người dân có cuộc sống sung túc về vật chất nhưng thực chất là do tiêu dùng tài nguyên của các thế hệ tương lai.
III. CÁC NGUYÊN TẮC TRONG THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
có 4 nguyên tắc trong thực hành NNBV
Bảo vệ và cải thiện đất đai: Sử dụng các phương pháp như luân canh cây trồng và trồng cây che phủ đất để duy trì độ phì nhiêu của đất.
Sử dụng tài nguyên hiệu quả: Tối ưu hóa việc sử dụng nước và năng lượng, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo.
Quản lý sâu bệnh bằng phương pháp sinh học: Sử dụng các biện pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh thay vì dựa vào hóa chất.
Tôn trọng môi trường và cộng đồng: Đảm bảo rằng các hoạt động nông nghiệp không gây hại cho môi trường và cộng đồng xung quanh.
Trong các phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về 4 nguyên tắc này. .
1. BẢO VỆ VÀ CẢI THIỆN ĐẤT ĐAI
Tại sao đất lại là yếu tố được đặt lên hàng đầu? Vì đất là nền tảng của mọi hoạt động canh tác. Đất cung cấp dinh dưỡng, oxy, nước và hỗ trợ rễ cây lớn mạnh, 4 thành tố này đều cần thiết cho sự phát triển của cây trồng.
1.1 Các yếu tố đánh giá chất lượng đất gồm có:
- Độ phì nhiêu của đất, gồm hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng
- Đặc tính vật lý của đất, gồm kết cấu đất, độ tơi xốp, độ xói mòn và thoái hóa của đất.
- Đặc tính hóa học của đất, gồm độ pH, độ mặn, độ phèn
- Đặc tính sinh học, gồm hoạt động của các vi sinh vật và sự hiện diện của các vi sinh vật có ích, và độ đa dạng sinh học.
- Khả năng giữ nước và thoát nước
1.2 Các vấn đề của đất nông nghiệp ở Việt Nam
- Suy thoái đất: Đất bị mất độ phì nhiêu, cấu trúc đất bị phá vỡ, dẫn đến giảm năng suất cây trồng.
- Ô nhiễm nguồn nước: Phân bón và thuốc trừ sâu hóa học có thể ngấm vào nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
- Xói mòn đất: Mất lớp đất mặt do xói mòn làm giảm khả năng canh tác và tăng chi phí cải tạo đất.
- Đất nhiễm mặn, do điều kiện tự nhiên của các vùng ven biển, cũng như việc giảm lưu lượng nước từ thượng nguồn. Đất thay đổi các đặc tính hóa học và sinh học sẽ ảnh hưởng tới vật nuôi và cây trồng, gây stress và giảm năng suất.
1.3 Những hành động gây hại cho đất
- Lạm dụng phân bón hóa học: Sử dụng quá nhiều phân bón hóa học có thể làm đất bị chai cứng, giảm độ phì nhiêu và gây ô nhiễm nguồn nước.
- Đốt rừng và phá rừng: Hành động này không chỉ gây mất đất mà còn làm giảm đa dạng sinh học và tăng nguy cơ xói mòn. Nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) cho thấy, mỗi năm thế giới mất khoảng 24 tỷ tấn đất mặt do xói mòn, và khối lượng đất này bị mất vĩnh viễn, không thể hồi phục. Rõ ràng, việc phá rừng đã làm mất đi hệ thống rễ cây ở tầng sâu – những cánh tay giữ nước và giữ dinh dưỡng hiệu quả nhất. Tiếp đó, các cơn mưa đã hoàn thành nốt nhiệm vụ bào mòn lớp đất bề mặt và rửa trôi chất dinh dưỡng.
- Sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ hóa học: Các chất này có thể giết chết vi sinh vật có lợi trong đất và gây ô nhiễm môi trường. Điều nguy hiểm hơn là các chất hóa học độc hại này tồn tại trong đất rất lâu, tác động xấu lên chất lượng nông sản của nhiều mùa vụ sau.
Theo FAO, khoảng 33% đất canh tác trên toàn cầu đang bị suy thoái do các hoạt động nông nghiệp không bền vững. Đây quả là con số quá lớn, khi mà thế giới đang đứng trước nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.
1.4 Chúng ta nên làm gì để bảo vệ và cải thiện chất lượng đất nông nghiệp
- Kiểm tra và cải tạo đất nông nghiệp trong thời gian giữa 2 mùa vụ gieo trồng. Đây là thời gian vàng để xử lý các thành phần gây hại cho cây và đất mà vụ trước để lại. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để bổ sung dinh dưỡng và các vi sinh vật có lợi cho đất, nuôi dưỡng và tạo độ tơi xốp cho đất.
- Đất ở khu vực đồi núi (Tây Nguyên) thường phải đối diện với tình trạng rửa trôi và xói mòn chất dinh dưỡng. Phân bón hóa chất thường không đem lại hiệu quả vì NPK sẽ dễ dàng bị rửa trôi sau các cơn mưa trước khi kịp thấm vào đất. Đất trồng cây công nghiệp (cà phê, điều, sầu riêng…) ở khu vực này cần được đặc biệt theo dõi định kỳ để có các biện pháp bổ sung dinh dưỡng kịp thời và hiệu quả.
- Luân canh cây trồng: Thay đổi loại cây trồng theo mùa để duy trì độ phì nhiêu của đất và giảm sâu bệnh. Ví dụ, luân canh giữa cây họ đậu và cây ngũ cốc có thể cải thiện chất lượng đất nhờ khả năng cố định đạm của cây họ đậu.
- Trồng cây che phủ đất: Sử dụng cây che phủ như cỏ ba lá hoặc cỏ lạc để bảo vệ đất khỏi xói mòn và cải thiện cấu trúc đất.
- Sử dụng phân bón hữu cơ: Phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân xanh giúp cải thiện cấu trúc đất và tăng cường vi sinh vật có lợi. Điều quan trọng là phải bổ sung các vi sinh vật có lợi trong quá trình ủ phân, đảm bảo loại trừ hết các vi khuẩn gây bệnh từ vật nuôi, cũng như giúp dinh dưỡng trong phân bón chuyển sang dạng dễ hấp thụ đối với cây và đất
- Tưới tiêu hợp lý: Áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt để tránh làm đất bị ngập úng, xói mòn và tránh làm rửa trôi phân bón .
Hiểu thêm về sự khác biệt và tác động của Phân bón hóa học và phân bón hữu cơ lên đất và cây, xin xem ở đây:
2. SỬ DỤNG NGUỒN TÀI NGUYÊN MỘT CÁCH HIỆU QUẢ
Tài nguyên cho nông nghiệp bao gồm đất, nước, năng lượng. Trong đó, đất và nước (ngọt) thuộc loại tài nguyên tái tạo. Chúng có thể được duy trì và tái tạo lại nếu được sử dụng 1 cách hợp lý, tiết kiệm, kết hợp việc tái chế, tái sử dụng. Năng lượng từ than là năng lượng hóa thạch, và không thể tái tạo.
2.1 Vì sao việc sử dụng tài nguyên hiệu quả lại quan trọng?
Tài nguyên đất, nước đều hữu hạn. Đất sạch và nước sạch lại càng ít. Đất và nước khi đã bị ô nhiễm sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí để phục hồi.
Năng lượng từ than (năng lượng hóa thạch), thủy điện đều là sự đánh đổi phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.
Tài nguyên được đưa vào sản xuất chính là chi phí sản xuất. Sử dụng chúng hiệu quả là cách tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao lợi nhuận 1 cách bền vững.
Quan trọng hơn, các tài nguyên này đều hữu hạn và việc sử dụng quá nhiều, hoặc không hiệu quả đồng nghĩa với việc vay mượn tài nguyên từ tương lai, hay của các thế hệ con cháu. Thế kỷ 22 có thể sẽ phải đối diện với việc không còn đủ đất, nước để canh tác nông nghiệp.
2.2 Hiện trạng việc sử dụng tài nguyên ở nước ta
Miền trung: Việc khai thác cát và khoáng sản không bền vững đã gây ra xói mòn đất và suy thoái môi trường.
Các tỉnh ven biển miền Trung bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức.
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn.
Ở Các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, đất rừng bị phá để trồng cây công nghiệp. Đất ở địa hình đồi dốc đều bị xói mòn ở các mức độ khác nhau.
2.3 Các sai lầm thường gặp
- Lãng phí nước: Sử dụng nước không hiệu quả, như tưới tiêu quá mức hoặc không kiểm soát, có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn nước và làm giảm năng suất cây trồng.
- Sử dụng nước giếng khoan quá nhiều nhằm tiết kiệm chi phí. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác nước ngầm quá mức ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra sụt lún đất với tốc độ trung bình 1-2 cm mỗi năm, làm trầm trọng thêm việc xâm nhập mặn của nước biển.
- Phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch: Tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng chi phí sản xuất do giá năng lượng biến động.
- Không tái chế chất thải: Bỏ qua việc tái chế và tái sử dụng chất thải nông nghiệp có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.
- Khai thác đất đai quá mức: Sử dụng đất đai không bền vững, như phá rừng để mở rộng diện tích canh tác, có thể dẫn đến suy thoái đất và mất đa dạng sinh học.
- Kích thích cây trồng ra trái trong thời gian ngắn hơn mùa vụ thông thường, có thể khiến đất mau bị cằn cỗi và bạc màu.
2.4 Chúng ta nên sử dụng tài nguyên như thế nào trong nông nghiệp cho hiệu quả
- Tối ưu hóa việc sử dụng nước: Áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa để giảm lãng phí nước. Ví dụ, tưới nhỏ giọt có thể giảm lượng nước sử dụng lên đến 50% so với tưới truyền thống.
- Sử dụng năng lượng tái tạo: Chuyển đổi sang sử dụng năng lượng mặt trời, gió và sinh khối (biogas) để giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính.
- Tái chế và tái sử dụng: Tận dụng các vật liệu tái chế và tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, như phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp và nước thải đã qua xử lý. Một trái sầu riêng phần cơm chỉ chiếm khoảng 30% khối lượng trái, như vậy khối lượng rác thải chỉ riêng từ sầu riêng mỗi ngày là bao nhiêu tấn?
- Quản lý đất đai hợp lý: Sử dụng đất đai một cách bền vững, tránh khai thác quá mức. Hướng tới thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên và bảo vệ các khu vực đất đai quan trọng như rừng và đất ngập nước.
3. KIỂM SOÁT SÂU BỆNH BẰNG CÁC BIỆN PHÁP SINH HỌC
Một trong các đặc điểm của Nông nghiệp Hữu cơ và Nông nghiệp bền vững là Không diệt, chỉ làm suy yếu.
Trên lý thuyết cũng như thực tế, không bao giờ có thể diệt trừ được hết các loại sâu bệnh, nấm mốc.
- Bạn xịt thuốc hóa học, sâu bệnh gây hại bị diệt trừ, nhưng các thiên địch và vi sinh vật có lợi cũng không còn tồn tại trên mảnh đất nhà bạn nữa.
- Bạn xịt thuốc hóa học, sâu bệnh chỗ đó chết, nhưng sâu bệnh ở chỗ khác sẽ tìm đến. bạn phải tiếp tục xịt thuốc.
- Bạn xịt thuốc hóa học, sâu bệnh suy yếu nhưng thế hệ sau, bằng cách thích nghi, lại có thể kháng thuốc tốt hơn. Bạn lại tiếp tục tìm kiếm loại thuốc mới, hoặc thuốc có tác dụng mạnh hơn, khả năng diệt trừ lớn hơn …. Bạn từ từ lệ thuốc vào thuốc hóa học, ngày 1 nhiều hơn.
Đó là 1 vòng luẩn quẩn mà chính con người là nạn nhân lâu dài nhất. Thiên nhiên luôn có cách để sinh tồn. Nếu bạn đấu với thiên nhiên, hãy đoán xem ai là người chiến thắng?
3.1 Hậu quả của hành động không bền vững
- Mất cân bằng sinh thái: Lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái vì hóa chất cũng diệt các sinh vật có ích, làm tăng mật độ sâu bệnh và giảm hiệu quả của các biện pháp sinh học.
- Ô nhiễm môi trường: Thuốc trừ sâu hóa học có thể gây ô nhiễm đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và động vật một cách lâu dài.
- Kháng thuốc: Sâu bệnh có thể phát triển khả năng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả của các biện pháp kiểm soát và tăng chi phí sản xuất.
Vì vậy, NN bền vững chính là “Tôn trọng thiên nhiên và tuyệt đối không sử dụng hóa chất và các biện pháp mang tính tiêu diệt”.
3.2 Những gì nên làm
- Sử dụng thiên địch: Nuôi và thả các loài thiên địch như ong mắt đỏ, bọ rùa, và các loài chim để kiểm soát sâu bệnh tự nhiên. Ví dụ, ong mắt đỏ có thể tiêu diệt trứng của nhiều loài sâu hại.
- Sử dụng vi sinh vật có lợi: Áp dụng các chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn, nấm hoặc virus có khả năng tiêu diệt sâu bệnh. Nghiên cứu của Đại học Cần Thơ cho thấy, việc sử dụng nấm Metarhizium anisopliae để kiểm soát rầy nâu trên lúa đã giảm mật độ rầy nâu tới 70% mà không cần sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
- Sử dụng pheromone: Sử dụng pheromone để bẫy và kiểm soát mật độ sâu bệnh. Pheromone giới tính có thể làm rối loạn quá trình giao phối của sâu bệnh, giảm mật độ sâu hại.
- Trồng cây che phủ và cây xua đuổi sâu bệnh: Trồng các loại cây có khả năng xua đuổi sâu bệnh hoặc thu hút thiên địch, như cây cúc vạn thọ hoặc cây neem.
- Thuyết phục các trang trại trong khu vực cùng sử dụng các biện pháp sinh học để nâng cao hiệu quả trên diện rộng.
Theo FAO, việc sử dụng biện pháp sinh học có thể giảm tới 50% lượng thuốc trừ sâu hóa học cần thiết, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe con người
3.3 Những gì không nên làm:
- Lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học: Sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu hóa học có thể giết chết cả thiên địch và vi sinh vật có lợi, gây mất cân bằng sinh thái.
- Không kiểm soát mật độ thiên địch: Thả quá nhiều thiên địch mà không kiểm soát có thể dẫn đến mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng đến các loài không phải mục tiêu.
- Không theo dõi và đánh giá hiệu quả: Không theo dõi và đánh giá hiệu quả của các biện pháp sinh học có thể dẫn đến việc không phát hiện kịp thời các vấn đề và điều chỉnh phương pháp.
4. TÔN TRỌNG CỘNG ĐỒNG VÀ MÔI TRƯỜNG
Nguyên tắc tôn trọng cộng đồng và môi trường là một phần không thể thiếu trong nông nghiệp bền vững vì nó đảm bảo rằng các hoạt động nông nghiệp không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế (hoặc các lợi ích ngắn hạn) mà còn bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây ra khoảng 12,6 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu, trong đó có nhiều trường hợp liên quan đến ô nhiễm không khí và nước.
- Theo Ngân hàng Thế giới, việc tham gia của cộng đồng vào các dự án phát triển đã giúp tăng hiệu quả và bền vững của các dự án lên đến 30%. Các dự án bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế nông thôn, hay bảo vệ rừng của chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước ở các cấp đều không thể thực hiện nếu không được sự tham gia tích cực và đồng thuận của chính người dân tại địa phương.
4.1 Hậu quả của hành động không tôn trọng cộng đồng và môi trường được các tổ chức quốc tế thống kê bao gồm:
- Suy thoái môi trường: Khai thác tài nguyên quá mức và gây ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến suy thoái đất, nước và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và đa dạng sinh học.
- Xung đột xã hội: Thiếu sự tham gia của cộng đồng và thiếu minh bạch có thể dẫn đến xung đột xã hội, làm giảm hiệu quả của các dự án phát triển.
- Mất niềm tin: Thiếu trách nhiệm và minh bạch có thể làm mất niềm tin của cộng đồng, ảnh hưởng đến sự hợp tác và phát triển bền vững.
4.2 Chúng ta nên làm gì
- Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng: Khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình ra quyết định liên quan đến các dự án phát triển và bảo vệ môi trường. Điều này giúp đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra phù hợp với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng.
- Bảo vệ và phục hồi môi trường: Áp dụng các biện pháp bảo vệ và phục hồi môi trường như trồng cây xanh, bảo vệ rừng, và xử lý chất thải một cách bền vững.
- Giáo dục và nâng cao nhận thức: Tổ chức các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tôn trọng cộng đồng. Điều này giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cách thức tham gia.
- Sử dụng tài nguyên bền vững: Áp dụng các phương pháp sử dụng tài nguyên một cách bền vững, như tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, và tái chế chất thải.
- Minh bạch và trách nhiệm: Minh bạch trong các hoạt động là cơ sở của lòng tin và sự chung tay cho phát triển bền vững.
Chuyển đổi từ tư duy hướng về lợi ích ngắn hạn sang tư duy bền vững và dài hạn là rất quan trọng để bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai. Thay vì chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt, chúng ta cần nghĩ đến những tác động lâu dài của hành động hiện tại. Điều này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho con cháu chúng ta.
Tóm lại, Thực hành nông nghiệp bền vững không phải là trách nhiệm của riêng cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương.
Nông nghiệp bền vững là từ mỗi người nông dân, mỗi trang trại.
Nguồn tài liệu:
(1) Xu hướng khai thác, sử dụng tài nguyên tại Việt Nam. https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/xu-huong-khai-thac-su-dung-tai-nguyen-tai-viet-nam-2366.html.
(2) Quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, bền vững. https://www.crdvietnam.org/vi/quan-ly-su-dung-nguon-tai-nguyen-hop-ly-ben-vung/.
(4) Khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai phục vụ phát …. https://tapchitaichinh.vn/khai-thac-su-dung-hieu-qua-ben-vung-tai-nguyen-dat-dai-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html.
(5) Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021. http://vnmha.gov.vn/tin-tuc-tai-nguyen-nuoc-va-moi-truong-114/bao-cao-tai-nguyen-nuoc-quoc-gia-giai-doan-2016-2021-12651.html.
(6) Ô nhiễm môi trường biển Việt Nam – thực trạng và khuyến nghị. https://isponre.gov.vn/vi/news/doi-thoai/o-nhiem-moi-truong-bien-viet-nam-thuc-trang-va-khuyen-nghi-1270.html.
(7) Việt Nam đang khai thác quá mức nguồn lợi thủy hải sản. https://vneconomy.vn/viet-nam-dang-khai-thac-qua-muc-nguon-loi-thuy-hai-san.htm.
(8) Các tồn tại, thách thức về tài nguyên nước ở Việt Nam. https://stnmt.hanam.gov.vn/Pages/cac-ton-tai-thach-thuc-ve-tai-nguyen-nuoc-o-viet-nam.aspx.
(9) thực trạng khai thác tài nguyên rừng ở Việt Nam. https://123docz.net/document/2327253-thuc-trang-khai-thac-tai-nguyen-rung-o-viet-nam.htm.
(10) Việt Nam đang suy giảm nguồn nước do khai thác quá mức. https://tuoitre.vn/viet-nam-dang-suy-giam-nguon-nuoc-do-khai-thac-qua-muc-20190322102733935.htm.
https://journalofscience.ou.edu.vn/index.php/soci-vi/article/view/1204
https://www.researchgate.net/profile/Minh-Hoang-26/publication/342800931_UNG_DUNG_BIEN_PHAP_SINH_HOC_TRONG_QUAN_LY_SAU_HAI_TREN_CAY_CHE_TAI_PHU_THO/links/5f068120299bf188160e5677/UNG-DUNG-BIEN-PHAP-SINH-HOC-TRONG-QUAN-LY-SAU-HAI-TREN-CAY-CHE-TAI-PHU-THO.pdf
https://www.fao.org
ArrayArrayQuản lý sâu bệnh là gì? Quy trình và phương pháp quản lý sâu bệnh