PHÂN YẾN: NGUỒN TÀI NGUYÊN DINH DƯỠNG MỚI CHO NÔNG NGHIỆP

Giá trị nghề nuôi yến

Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh thành có nuôi chim yến (thống kê của Bộ NN&PTNT). Số lượng nhà yến đang ngày một tăng lên. Năm 2022 số lượng nhà yến đạt 23.665 nhà, tập trung chủ yếu ở Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, và một số tỉnh ĐBSCL. Với sản lượng tổ yến xuất khẩu khoảng 200 tấn/ năm, thu về 200 triệu USD/ năm, nghề nuôi yến được đánh giá rất có triển vọng, mang lại nguồn thu lớn cho xã hội [1].

Nuôi yến trong nhà yến

Phân yến, nguồn phế phẩm khổng lồ liệu có giá trị cho nông nghiệp?

Theo kinh nghiệm thực tế của người nuôi yến, phân yến được thu gom định kì 2 tháng/lần có khối lượng thải ra ước tính là 25 – 30 kg/100 m2 [2]. Như vậy, với tổng diện tích nhà nuôi yến trên cả nước – 2.017.570 m2 (năm 2018), trung bình lượng phân thải ra 250 – 300 tấn/ 1 tháng [1].

Một lượng lớn phân yến thải ra môi trường, nếu không được xử lý đúng cách có thể sinh mùi hôi làm ô nhiễm không khí, gây mất vệ sinh cho khu vực và thu hút côn trùng gây bệnh. Ngược lại, tận dụng và xử lý nguồn phân yến đúng cách giúp tạo ra lợi ích cho ngành nông nghiệp.

Ưu điểm của phân yến

Thức ăn của chim yến chủ yếu là các loài côn trùng, do đó thành phần dinh dưỡng trong phân yến rất khác biệt so với các loại phân gia súc gia cầm.

Hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội

Theo kết quả phân tích của chúng tôi, phân yến chứa nitơ 8 – 10%, chất hữu cơ 75 – 85%, khoáng 15 – 25%, kali hữu hiệu 1 – 2%, phospho hữu hiệu 3 – 5%, acid humic và acid fulvic 6 – 10% (kết quả tính trên mẫu khô). So sánh với các loại phân gia súc gia cầm, phân yến vượt trội về hàm lượng nitơ và khoáng chất. Phân yến được xem là nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây, kích thích sự sinh trưởng và phát triển, ra hoa, đậu trái cho cây trồng, đồng thời giảm tỉ lệ bệnh trên cây trồng. Ngoài ra, phân yến còn tăng độ mùn, tơi xốp, giúp cải tạo đất bạc màu và nghèo dinh dưỡng.

Tốt cho đất

Đặc biệt, acid humic và acid fulvic tự nhiên trong phân yến là thành phần có giá trị và chiếm hàm lượng cao hơn so với các loại phân bón hữu cơ khác. Hai thành phần quan trọng này giúp ổn định cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong đất, do đó tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng cho cây trồng.

Cấu trúc phân tử của Acid humic và Acid fulvic

Lợi cho cây

Acid humic và acid fulvic làm gia tăng sản xuất các hormon sinh trưởng thực vật như auxin và cytokinin, thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng và quang hợp và giảm stress cho cây. Acid humic và acid fulvic còn kích thích sự hoạt động của các vi sinh vật trong đất, tăng khả năng hoạt động của enzyme phosphatase của vi sinh vật đất, dẫn đến giải phóng phospho dễ hấp thu cho cây.

Đồng thời, các nghiên cứu cũng chứng minh về khả năng cải thiện năng suất và chất lượng, tăng khả năng kháng bệnh và khả năng phục hồi của cây trồng khi sử dụng phân bón chứa acid humic và acid fulvic [3, 4].

Tóm lại

Phân yến chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cao có tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp. Khai thác nguồn dinh dưỡng từ phân yến đem lại giá trị gia tăng đồng thời giải quyết cho người nuôi yến vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, phân yến có độ đạm cao, nếu để phân hoai tự nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian và hao hụt lượng dinh dưỡng vốn có trong phân. Đón đọc bài viết tiếp theo của chúng tôi để tìm hiểu về cách xử lý phân yến hiệu quả và an toàn.

Bài viết của KMVE lab team, vui lòng trích dẫn nguồn khi bạn sử dụng thông tin trong bài.

Nguồn hình: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/; internet

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ NN&PTNT thông tin về việc nuôi chim yến. https://baochinhphu.vn/bo-nnptnt-nuoi-chim-yen-co-gia-tri-kinh-te-cao-nhung-con-nhieu-bat-cap-102230621161732465.html

[2] My, L. H. (2021). Đánh giá tác động của nhà nuôi chim yến đến môi trường tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp10(3), 107-114.

[3] Canellas, L. P., Olivares, F. L., Aguiar, N. O., Jones, D. L., Nebbioso, A., Mazzei, P., & Piccolo, A. (2015). Humic and fulvic acids as biostimulants in horticulture. Scientia horticulturae196, 15-27.

[4] Ampong, K., Thilakaranthna, M. S., & Gorim, L. Y. (2022). Understanding the role of humic acids on crop performance and soil health. Frontiers in Agronomy4, 848621.

ArrayArray
Array
HỢP TÁC ĐỒNG HÀNH

Cộng hưởng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Đất mẹ, cho Nhân loại và cho Muôn loài.