QUẢ CÀ PHÊ- TIỀM NĂNG CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC HẾT

Cà phê, một thức uống không thể quen thuộc hơn với người Việt, nhưng còn rất nhiều điều thú vị về quả cà phê chưa được chúng ta biết đến.

Lịch sử cây cà phê ở Việt Nam

Năm 1857, cây cà phê Arabica đầu tiên đã được đưa vào Việt Nam thông qua các nhà truyền giáo người Pháp, được trồng thử nghiệm tại các nhà thờ Công giáo phía Bắc, sau đó phát triển xuống một số tỉnh miền Trung, và cuối cùng được đưa đến các tỉnh khu vực phía Nam- Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đến năm 1908, hai loại cà phê là Robusta (Coffee canephora) và Exelsa (Coffee exelsa) cũng được du nhập vào Việt Nam. Sau đó, một số giống cà phê từ Congo cũng được trồng tại vùng Cao nguyên Việt Nam.

Nếu năm 1930, Việt Nam có 5.900 ha cà phê, thì năm 1986, tổng diện tích đất trồng cà phê đã lên đến 50.000 ha và tổng sản lượng sản xuất lên đến 18.400 tấn. Hiện tại, với 710.660 ha trồng cà phê, Việt Nam đang là nước có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới [1].

Tiềm năng chưa khai thác của quả Cà phê
quả cà phê chín

Sản lượng cà phê của Việt Nam

Cà phê được biết đến là thức uống phổ biến nhất thế giới, và có lượng tiêu thụ lớn thứ 2 chỉ sau ngành công nghiệp xăng dầu. Lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu đạt khoảng 10,11 triệu tấn trong năm 2021 và 10,71 triệu tấn năm 2021 [2]. Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 3 triệu tấn năm 2022, chiếm 1/3 sản lượng của cả thế giới [2].

 

Nhân (hạt) cà phê sau khi được rang được dùng để pha chế cà phê

Chúng ta đang uống sản phẩm từ hạt cà phê và vứt bỏ 80% khối lượng quả cà phê

Rất nhiều người có thói quen uống cà phê hàng ngày. Tuy vậy, một điều ít người biết là  nhân (hạt) cà phê – nguyên liệu để chế biến ra cà phê- chỉ chiếm 20% khối lượng Quả. 80% phần còn lại bao gồm vỏ ngoài, thịt quả, chất nhầy, vỏ trấu, lớp lụa với tổng sản lượng có thể đạt đến 9,4 triệu tấn/năm [3].

nhân (hạt) cà phê chỉ chiếm 20% trọng lượng của quả cà phê
Cấu tạo của quả cà phê

Một thể tích cực lớn “phế phẩm sau thu hoạch và lấy nhân” từ quả cà phê hầu như không được xử lý, một phần được các chủ trang trại ủ trong vài tháng và bón trực tiếp cho chính trang trại của mình. Một phần lớn khác được coi như là rác thải (hữu cơ), được đổ trực tiếp ra các khu vực chứa chất thải. Sau một thời gian, các phế phẩm này phân hủy tự nhiên và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ảnh hưởng đến nguồn nước, đất, và cả hệ vi sinh vật nếu không được xử lý hiệu quả.

Có gì trong phần còn lại của quả cà phê?

Hiện tại chỉ có nhân Quả cà phê được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống. Phần còn lại của Quả với các thành phần đã được nghiên cứu (Bảng 1) có nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm khai thác.

Bảng 1. Thành phần hóa học của phụ phẩm cà phê [4, 5]

Thành phần dinh dưỡng phụ phẩm cà phê

Phụ phẩm của quá trình chế biến khô (dry processing) bao gồm phần thịt quả và vỏ ngoài giàu protein, chất xơ, amino acid, chất khoáng, đặc biệt là có các hợp chất có hoạt tính sinh học như polyphenol, flavonoid, tannin và chlorogenic acid. Các hoạt chất này đã được chứng minh là có tác dụng trong kháng khuẩn, chống viêm, hạ huyết áp, chống ung thư, hạ đường huyết, và đặc biệt, chống oxy hóa. Nhiều thực nghiệm đã cho thấy vỏ cà phê có thể được sử dụng trong sản xuất thực phẩm và đồ uống như trà Cascara, trà túi lọc, nước uống lên men, cao chiết hoặc thực phẩm bổ sung [5].

Tóm lại, không những nhân cà phê mang lại giá trị kinh tế cao mà các thành phần khác của Quả cà phê còn chứa nhiều hợp chất sinh học có hoạt tính cần được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng để phát triển thành các sản phẩm đa dạng và có giá trị hơn. Hướng đi này không chỉ đem lại thêm lợi nhuận cho người trồng cà phê, mà đồng thời còn giảm chi phí xử lý môi trường.

Đón đọc bài viết tiếp theo của chúng tôi để tìm hiểu về các sản phẩm có lợi cho sức khỏe được làm từ vỏ quả cà phê.

Tác giả: KMVE Lab Team. Vui lòng trích rõ nguồn khi bạn sử dụng thông tin trong bài viết này.

Nguồn hình ảnh: Internet

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]         HIỆP HỘI CÀ PHÊ – CA CAO VIỆT NAM. http://www.vicofa.org.vn/country-coffee-profile-vietnam-bid385.html 

[2]       International Coffee Organization 2023. Coffee market report.   https://icocoffee.org/documents/cy202223/Coffee_Report_and_Outlook_April_2023_-_ICO.pdf 

[3]        Hejna, A. (2021). Potential applications of by-products from the coffee industry in polymer technology–Current state and perspectives. Waste Management 121, 296-330. 

[4]        Murthy, P. S., and Madhava Naidu, M. (2012). Sustainable management of coffee industry by-products and value addition—A review. Resources, Conservation and Recycling 66, 45-58. 

[5]       Castillo, M., Fernández-Gómez, B., Martínez Sáez, N., Iriondo-DeHond, A., & Mesa, M. D. (2019). Coffee by-products.

[6]        Murthy PS, Naidu MM (2010a). Production and application of xylanase from Penicillium sp. utilizing coffee by-products. Food and Bioprocess Technology 5(2):657–64. 

 

ArrayArray
Array
HỢP TÁC ĐỒNG HÀNH

Cộng hưởng để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Đất mẹ, cho Nhân loại và cho Muôn loài.