RƠM RẠ LÀ PHẾ PHẨM HAY LÀ TIỀN?
Ông bà ta xưa nay chọn đốt rơm sau vụ thu hoạch như 1 cách nhanh chóng dọn rác trên ruộng. Đốt rơm cũng có thể diệt hoặc xua đuổi được 1 số côn trùng gây hại và vi khuẩn, giảm rủi ro sâu bệnh cho vụ tiếp theo, lại có được tro chứa NPK để bón trực tiếp vào đất. Bài viết này sẽ tìm hiểu các hậu quả của việc đốt rơm rạ và các biện pháp sử dụng rơm rạ để đem lại nguồn thu cho nhà nông.
-
HẬU QUẢ CỦA ĐỐT RƠM RẠ
Rơm rạ có chứa NPK, điều này đúng. Trong 1 tấn rơm chứa khoảng 5-8 kg đạm, 1,2 kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon. Đây là lí do bà con vẫn cho rằng đốt rơm là có lợi.
1.1 Thực tế là, đốt rơm đem lại nhiều hậu quả hơn lợi ích cho nhà nông:
Đất mất dinh dưỡng:
Đốt rơm rạ làm mất các chất dinh dưỡng quý giá trong đất và gây suy giảm độ phì nhiêu của đất. Một phần NPK sẽ chuyển thành khí và bay hơi khi nhiệt độ cao, phần còn lại chuyển thành dạng vô cơ, khó hấp thụ với cây trồng.
Đất mất độ ẩm và độ tơi xốp:
Đây là kết quả hiển nhiên khi đốt rơm rạ trên diện rộng. Đốt nhiều lần, đất sẽ trở nên chai cứng và giảm hiệu quả trồng trọt.
Ảnh hưởng đa dạng sinh học:
Đồng thời với việc xua đuổi và tiêu diệt hại khuẩn, đốt rơm rạ có thể tiêu diệt các vi sinh vật có ích và động vật nhỏ, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Hậu quả người nông dân phải chịu là Suy giảm năng suất cây trồng và Tăng chi phí phân bón.
1.2 Không chỉ vậy, đốt rơm rạ còn gây ra các tác động lâu dài về mặt môi trường và sức khỏe
Ô nhiễm không khí do khói và bụi mịn:
Ngoài khói, việc đốt rơm rạ sinh ra các hạt PM2.5 và PM10, gây ra các bệnh đường hô hấp.
Phát thải khí nhà kính:
Đốt rơm rạ giải phóng CO2, CH4 và NO2, góp phần vào biến đổi khí hậu.
Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1 ha (trung bình 8 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2, 798 kg khí CO, 398 kg các chất hữu cơ độc hại và 12 kg tro bụi.
-
LÀM GÌ ĐỂ TẠO RA GIÁ TRỊ CHO RƠM RẠ
2.1 Trong rơm có gì?
Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo khối lượng khô gồm 40 tới 60% cellulose (và hemicellulose), tối thiểu 14% lignin (một hợp chất khiến rơm khó phân hủy tự nhiên dưới các điều kiện thông thường), 3,4% đạm hữu cơ (protein), 1,9% chất béo (lipid).
Nếu tính theo nguyên tố thì Cacbon (C) chiếm 44%, Hyđrô (H) chiếm 5%, Oxy (O) chiếm 49%, Nitơ chiếm khoảng 0,92%, một lượng rất nhỏ Phốtpho (P), Lưu huỳnh (S) và Kali (K).
2.2 Giải pháp sử dụng rơm rạ và tăng nguồn thu cho nhà nông
Dựa trên các đặc điểm hóa học và vật lý của rơm rạ, các gợi ý dưới đây được cho là dễ thực hiện và đem lại nguồn thu cho các hộ gia đình cũng như các trang trại lớn:
- Ủ phân hữu cơ: Dễ thực hiện, quy mô nhỏ và vừa, phù hợp với hộ gia đình và farm chăn nuôi.
- Rơm rạ được trộn cùng phân chuồng, hoặc các loại rác hữu cơ khác trong farm như vỏ trái cây, rau, trấu … bổ sung chế phẩm vi sinh như Racozyme và đậy bạt ủ trong khoảng 2- 3 tháng sẽ cho phân hữu cơ chất lượng cao, dùng để cải tạo đất cho chính farm đó.
- Đây là cách làm hiệu quả cao giúp giảm chi phí mua phân bón vô cơ, chủ động được nguồn phân hữu cơ sạch với chi phí thấp, lại dễ hấp thụ cho cây. Các farm quy mô vừa thậm chí có thể có dư PBHC để bán cho các trang trại khác và tăng thu nhập ổn định.
- Làm đệm sinh học trong chăn nuôi heo: Mô hình đệm sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh Racozyme để sản xuất phân bón hữu cơ trong các trang trại chăn nuôi đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi. Bà con có thể bán rơm cho các trang trại chăn nuôi lớn đang áp dụng mô hình này.
- Làm thức ăn chăn nuôi: Chỉ cần phơi khô và chế biến đơn giản. Thức ăn từ rơm rạ giúp giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp. Cách làm này đơn giản nhưng không đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế, mặt khác, tốn diện tích kho bãi.
- Trồng nấm: Hộ nông dân cần liên hệ bán rơm rạ cho các trang trại làm nấm chuyên nghiệp tại địa phương. Thu nhập từ bán rơm làm nấm không cao nhưng ổn định.
- Sản xuất năng lượng sinh học: so với các giải pháp trên, quy trình sản xuất biogas phức tạp hơn, cần đầu tư ban đầu về thiết bị và công nghệ. Phương án này chỉ phù hợp với các trang trại công nghệ cao, quy mô lớn.
- Vật liệu Trang trí và thủ công mỹ nghệ …
- Vật liệu xây dựng: Ngoài các ứng dụng trên, rơm rạ, với thành phần chủ yếu là Cellulose và lignin, còn có thể được sử dụng để làm các vật liệu xây dựng như tấm cách nhiệt, chống thấm và chống nấm mốc có độ bền cao. Tuy nhiên, phương án này còn chưa phổ biến ở nước ta.
Kết luận
Thống kê cho thấy, rơm rạ từ riêng đồng bằng Sông Cửu Long hàng năm là khoảng 24 triệu tấn. 70% lượng rơm rạ này đang bị đốt. Nếu tính giá rơm đang được thu mua là 2.000 đồng/ kg, chúng ta đang đốt một lượng tiền khổng lồ.
Trong khi đó, nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hàng năm vẫn phải nhập khẩu rơm để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi và của các ngành công nghiệp nhẹ khác như dệt may, vật liệu….
Thay vì đốt rơm rạ, việc tái sử dụng, tuần hoàn rơm rạ trong các hoạt động nông nghiệp và thương mại cho phép chúng ta tiến gần hơn tới nền kinh tế tuần hoàn, và nhờ thế, môi trường được bảo vệ và toàn bộ người dân được hưởng lợi.
[NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG]
Nguồn
Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo việc làm, giải quyết ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL – http://thinhvuongvietnam.com/Content/mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-tao-viec-lam-giai-quyet-o-nhiem-moi-truong-o-dbscl-332110
https://tienphong.vn/dot-rom-la-dot-tien-post1685479.tpo
https://www.researchgate.net/figure/Cellulose-hemicellulose-and-lignin-content-of-several-straw-materials-modified-from_tbl1_333085926
https://www.irri.org/
ArrayArray